Hơn 04 năm nay, cứ vào mùa nước nổi là gia đình anh Cao Văn Rang - xã Long Bình, thị xã Ngã Năm đi bắt ốc bưu vàng về lễ đầu ốc bán cho thương lái. Trung bình hằng ngày gia đình bắt được 100 kg ốc lễ ra cũng hơn 20 kg đầu ốc, với giá bán dao động từ 13.000 - 15.000 đồng/kg, thu nhập từ 260.000 - 300.000 đồng. Gia đình chia sẻ, mỗi vụ nước nổi gia đình cũng thu về trên 17 triệu đồng từ khai thác ốc bưu vàng. Đang ngồi lễ ốc bán cho thương lái, anh Cao Văn Rang cho biết thêm: “Tôi cũng có được gần 10 công ruộng, vụ này không làm lúa vụ ba, mình rào lưới lại để mình bắt ốc và mua ruộng của bà con lân cận để bắt thêm. Những tháng nhàn rỗi này nhờ con ốc cũng kiếm thêm thu nhập cho gia đình, thấy vậy chứ cũng ngon hơn làm lúa vụ thu đông”.
Còn ở khóm Tân Trung, Phường 2, hơn 02 tháng trước nông dân đã chủ động thả nuôi hơn 80.000 con cá lóc vèo, với gần 30 hộ nuôi; người dân cũng tranh thủ mùa nước nổi đi khai thác cá tạp để làm thức ăn cho cá vèo. Theo bà con nông dân việc thả cá vèo trong mùa này chủ yếu là “Xuất công làm lời”, trung bình 1.000 con cá lóc vèo thả nuôi qua những tháng nước nổi nông dân có lợi nhuận từ 02 - 03 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Liêm - khóm Tân Trung, Phường 2, vui vẻ bày tỏ: “Nhà tôi thì nuôi cũng 2.000 con cá lóc vèo, thấy vậy chứ nuôi thì cũng không cực gì đâu, ví dụ như mình giăng lưới kiếm cá mồi cho cá ăn, nếu không nữa thì mình đẩy côn, kiếm cá rồi bán để mua cá mồi cho cá lóc ăn, qua mấy tháng nước nổi này thì thu nhập cũng gần được 07 triệu đồng”.
Ngoài ra trong những năm gần đây người dân trên địa bàn thị xã còn phát triển mô hình dự trữ cá từ thiên nhiên, với diện tích trên 1.500 ha; mô hình này chủ yếu ở những hộ có diện tích đất ruộng từ 01 ha trở lên, với bờ bao chắc chắn và ao dự trữ tới bơm tát đông xuân để thu hoạch. Theo hộ nuôi chia sẻ mô hình này không tốn chi phí thức ăn, chỉ tốn công canh chừng và gia cố đê bao, mỗi vụ hộ nuôi thu nhập hơn 10 triệu đồng trên 01 ha. Anh Nguyễn Văn Mùng - Hộ nuôi cá đồng ở Phường 2, chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi cũng trên 01 ha, cực nhất là vào ban đêm mình phải thường xuyên chống xuồng đi thăm chừng bờ bao và giữ cá trong vuông của mình. Nói chung thì cũng thu nhập từ 12 triệu trở lên cho mỗi vụ, làm mô hình cá đăng quần này thì khỏe hơn làm lúa vụ thu đông”.
Ở thị xã Ngã Năm trong những tháng này khá nhộn nhịp, việc khai thác và nuôi thủy sản khá phong phú ở nhiều hình thức như: đặt dớn, đẩy côn, bắt ốc bưu vàng... bên cạnh đó người dân còn đẩy mạnh các hình thức nuôi thủy sản như: cá đăng quầng, dự trữ cá đồng và cá vèo. Mô hình này cũng được chính quyền địa phương ở các xã, phường khuyến khích và nhân rộng. Bà Trần Trường Hoa - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Long Bình, cho biết: “Thấy được tiềm năng sẵn có từ mùa nước nổi mang lại, Đảng ủy - Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tích cực vận động người dân khai thác đánh bắt thủy sản và thực hiện các mô hình nuôi thủy sản nhằm tăng thu nhập; đồng thời kết hợp với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên thị xã mở các lớp đào tạo nuôi cá vèo cho bà con. Bên cạnh đó vận động người dân khai thác thủy sản phải đúng theo quy định của pháp luật nhằm tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở địa phương”.
Thực tế cho thấy, mùa nước nổi đã mang nhiều thu nhập cho bà con nông dân ở thị xã Ngã Năm, với việc khai thác thủy sản và nuôi cá đồng; bên cạnh đó ngành chức năng địa phương cũng khuyến cáo nông dân cần tuân thủ các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản nhằm tạo tái tạo nguồn lợi thủy sản cho vụ sau.
Người dân đẩy côn, vớt ốc và chăm sóc cá nuôi.